Kính áp tròng là một phụ kiện quá tuyệt vời mà nhân loại từng phát minh ra, đặc biệt là với hội vẫn luôn cảm thấy ức chế với cặp kính dày cộp trên mặt mà chẳng đủ tiền làm một chuyến mổ mắt.
Nhưng có một vấn đề, đó là kính áp tròng có hạn sử dụng! Có loại được vài tháng, nhưng có loại chỉ 1 ngày. Vậy khi quá hạn, bạn sẽ vứt chúng như thế nào? Thùng rác ư?
Biết gì không, theo một nghiên cứu mới đây thì hóa ra rất nhiều người không hề vứt chúng vào thùng rác. Tại Mỹ, ít nhất 20% quăng những cặp áp tròng đã hết hạn sử dụng vào... toilet rồi xả nước, hoặc để chúng trôi xuống ống cống.
Ước tính, tại Mỹ có khoảng 45 triệu người thường xuyên sử dụng kính áp tròng, có nghĩa rằng 9 triệu cặp kính được xả xuống cống. Và đó là một thói quen cực kỳ kinh khủng, bởi tác hại với môi trường chúng gây ra.
Theo như nghiên cứu, có khoảng 3,36 tỉ cặp kính áp tròng bằng nhựa mỗi năm lọt vào hệ thống xử lý nước thải. Và để quy đổi, thì đó là 23 tấn rác nhựa đấy.
Nghiên cứu này do Rolf Halden - một kỹ sư môi trường đến từ ĐH Arizona (Mỹ). Halden cho biết ban đầu, ông muốn tìm hiểu xem đã có nghiên cứu nào về vấn đề vứt kính áp tròng chưa, và hóa ra là chẳng có nghiên cứu nào cả.
Vậy nên, nhóm của Halden đã quyết định làm điều đó. Khảo sát đầu tiên được thực hiện trên 139 người dùng và không dùng kính áp tròng. Trong số những người dùng, 19% thừa nhận rằng họ thường xuyên vứt kính xuống bồn cầu, hoặc ống cống.
Bước tiếp theo, họ muốn tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra với đám kính ấy. Thông thường ở các hệ thống xử lý nước thải đều có màng lọc. Tuy nhiên kính áp tròng nhiều loại rất nhỏ và linh hoạt, nên chúng lọt qua được lớp màng ấy một cách khá dễ dàng.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc lớp bùn thải, và tìm thấy nhiều mảnh kính áp tròng. Điều này chứng tỏ lớp màng lọc không những để kính lọt qua, mà còn bẻ gãy chúng thành những mảnh nhỏ hơn (đối với kính áp tròng loại cứng).
Kính áp tròng có thể vỡ ra, tạo thành các vi hạt nhựa
Vậy liệu các mảnh kính ấy có thể tự phân hủy? Theo như nghiên cứu thì rất ít, vì chúng được làm bằng nhựa và polime.
"Là một công cụ dùng trên mắt, nên chắc chắn chúng không thể phaân hủy dễ dàng. Điều này tốt cho người sử dụng, nhưng chẳng hề tốt cho môi trường nếu chúng lọt ra ngoài." - Halden chia sẻ.
"Khi kính áp tròng nhựa tiếp xúc với vi khuẩn, cấu trúc của chúng có thể yếu đi, và vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Các mảnh nhỏ ấy dần trở thành các hạt nhựa siêu vi - thứ vốn đã và đang gây nhức nhối cho các nhà môi trường học ngày nay" - Varun Kelkar, một chuyên gia khác của nhóm nghiên cứu cho biết.
Nước thải sau khi lọc có thể lọt ra đất, nhưng phần nhiều sẽ được thải ra môi trường nước. Các loài thủy sinh vì thế có thể hấp thụ hạt nhựa, và rồi chúng được con người đánh bắt và lại quay về với con người chúng ta.
Vậy chúng ta có thể làm gì? Hiện tại, các cơ sở sản xuất kính áp tròng chưa có hướng dẫn chính thức về cách vứt kính áp tròng. Đây có thể là lúc để họ cân nhắc thêm điều đó vào, nhằm thay đổi thói quen xấu của nhiều người tiêu dùng.
"Cách đơn giản nhất là in thêm cảnh báo trên sản phẩm. Hãy để họ biết rằng việc vứt kính như thế là rất có hại cho môi trường" - Halden cho biết.
Bài viết mới
Bài viết liên quan