Tình trạng nhiệt miệng không chỉ khiến bạn cảm thấy đau nhức mà còn gây khó khăn khi ăn uống. Nhiệt miệng được chia làm mấy loại? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nhiệt miệng (hay còn gọi là áp tơ miệng) là một bệnh rất phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Bị nhiệt miệng cực kỳ khó chịu, không những khó khăn trong ăn uống mà còn gây đau nhức cả tuần liền.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về căn bệnh mà mình đang mắc phải.
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng (Recurrent Aphthous Stomatitis – RAS) là một bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Đây là bệnh nhẹ nhưng khá phổ biến.
Nhiệt miệng không gây nguy hiểm, tuy nhiên lại gây ảnh hưởng khá nhiều và bất tiện đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong ăn uống. Những người bị áp tơ miệng thường xuyên cũng khá vất vả, vì vậy, cần nhận diện được dạng mà mình đang mắc phải để biết cách điều trị hợp lý.
Các dạng nhiệt miệng
Nhiệt miệng thể nhỏ (RAS minor)
Đây là dạng áp tơ miệng thường gặp, chiếm tỷ lệ tới 80%. Ở dạng này, tổn thương loét rất nông, gây đau, riêng biệt từng vết (từng nốt nhiệt), đường kính từ 3mm đến dưới 1cm. Số lượng tổn thương có thể từ 1 – 5 vết nhiệt.
Dạng áp tơ này hay xảy ra ở môi, má và nền miệng. Tổn thương dạng này thường sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày và không để lại sẹo.
Nhiệt miệng thể lớn (RAS major)
Áp tơ niêm mạc miệng thể lớn ít gặp hơn. Các vết loét trong trường hợp này thường lớn hơn, từ 1 – 3 cm, sâu hơn, bờ nổi cao và có thể tập trung thành nhóm gần nhau, tập trung ở môi, hàm ếch mềm, họng…
Nếu mắc phải áp tơ dạng này, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tổn thương có thể kéo dài tới 6 tuần, khi khỏi có thể để lại sẹo, thậm chí gây co kéo miệng hầu.
Nhiệt miệng Herpes (Herpetiform RAS)
Dạng áp tơ miệng này ít gặp phải nhất. Tổn thương chỉ khoảng 1 – 3mm nhưng tập trung thành đám. Đám tổn thương này có thể tập trung ở một khu nhỏ hoặc tập trung trên diện rộng.
Những nguyên nhân chủ yếu gây nhiệt miệng
– Do thói quen ăn uống: thói quen ăn uống quá nhiều thực phẩm cay nóng sẽ gây ra tình trạng nhiệt miệng.
– Do tổn thương trong khoang miệng: tại những vết thương do va chạm hoặc vô tình cắn phải có thể gây ra tình trạng nhiệt miệng sau đó.
– Do thiếu vitamin và khoáng chất: sự thiếu hụt các vitamin b12, sắt hay folate cũng là nguyên nhân gây nhiệt miệng.
Tình trạng nhiệt miệng trong mùa hè có thể gây ra cảm giác đau rát, khó chịu hàng ngày. Tuy nhiên, nếu thực hiện một số thói quen sau thì bạn có thể tránh mắc phải triệu chứng này tối đa.
Mùa hè nóng bức, nhu cầu giải nhiệt tăng cao, cơ thể bạn sẽ gặp phải tình trạng nóng trong người, từ đó là nguy cơ dẫn đến hiện tượng nhiệt miệng. Đặc biệt, nhiệt miệng thường phải mất rất nhiều thời gian mới có thể chữa khỏi hoàn toàn và không có nhiều giải pháp để chữa khỏi tạm thời. Do đó, việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bằng những thói quen sau đây là rất cần thiết trong mùa hè.
Tránh ăn đồ cay/nóng
Nếu bạn không muốn xuất hiện những vết loét miệng ở vùng miệng thì cần tránh ăn nhiều đồ cay/nóng trong mùa hè. Bởi bất cứ thứ gì quá nóng, quá cay, thậm chí quá lạnh đều có thể gây bỏng cho vùng da nhạy cảm ở khu vực miệng, lưỡi. Thế nên, bạn cần chú ý tới nhiệt độ của món ăn và nắm rõ hương vị của chúng để không gặp phải tình trạng nhiệt miệng.
Ưu tiên ăn món mềm, mát hàng ngày
Một số món mềm, mát như sữa chua, rau củ quả, hay đồ ăn, đồ uống lành mạnh đều không gây hại cho khoang miệng của bạn, đặc biệt là vùng lưỡi. Tuy nhiên, những loại thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên, gà rán, hamburger… lại có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng. Vậy nên, hãy bắt đầu chú ý đến một chế độ ăn lành mạnh với những món mềm, mát trong mùa hè để tránh bị nhiệt miệng bạn nhé!
Hạn chế đồ uống có chứa nhiều axit, cồn, đồ uống có ga
Cà phê, rượu vang, đồ uống có ga hay các đồ uống nhiều axit… đều là những đồ uống cần hạn chế tiêu thụ. Những loại đồ uống này có thể gây kích ứng da và làm chậm quá trình phục hồi tổn thương do nhiệt miệng gây ra.
Giữ khoang miệng luôn sạch sẽ
Vi khuẩn từ vết thương hở trong khoang miệng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm trùng và làm kéo dài thời gian chữa bệnh, từ đó dẫn đến triệu chứng nhiệt miệng. Những vết loét sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng cao hơn nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, nếu gặp phải tình trạng bỏng nhiệt thì bạn nên đánh răng thật kỹ, dùng nước súc miệng qua và uống nhiều nước trong ngày để rửa sạch thực phẩm hay vi khuẩn còn tồn đọng lại.
Uống đủ nước hàng ngày
Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần nạp đủ từ 2 – 2,5 lít nước, nhưng nếu không uống đủ thì cơ thể bạn sẽ không được thanh lọc từ bên trong và độc tố tích tụ lại còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng. Do đó, hãy tạo thói quen uống nhiều nước hàng ngày, đặc biệt là trong mùa hè vì rất dễ gặp phải tình trạng mất nước, kéo theo hiện tượng uể oải, choáng váng.
Bài viết mới
Bài viết liên quan